-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch sang Lào bằng xe ô tô tự lái
Ngày đăng: 29/03/2018
XUÂN PHIÊU DU GẮN KẾT GIA ĐÌNH
(kinh nghiệm tự lái xe ô tô đi Lào của một gia đình nhỏ).
Tháng 9 năm nay anh bạn Sam nhà mình chính thức vào lớp 1, vậy là từ những kỳ nghỉ Lễ sang năm nhà mình sẽ phải theo lịch học của anh cả. Vậy nên, Tết này gia đình quyết định làm chuyến phượt sang Lào bằng xe ô tô tự lái mươi hôm cho nó đã.
I. Chuẩn bị:
1. Lập kế hoạch:
Đến 20 tháng chạp hai vợ chồng mới rảnh rảnh một tý để lên kế hoạch du xuân, liên hệ đến các công ty du lịch thì họ không còn nhận tuor nữa do sát ngày quá không thể lo được thủ tục. Đang loay hoay sẽ không biết đi đâu trong 10 ngày nghỉ Tết thì có cậu bạn gợi ý lái xe sang Lào xem sao, hỏi ý kiến ông xã thì không ngờ ông xã cũng máu luôn. Nhưng thủ tục giấy tờ thế nào thì tất cả đều mù tịt, thế là lên diễn đàn các kiểu loại để hỏi về thủ tục và kinh nghiệm, thì họ gợi ý về các văn bản do Bộ Giao thông vận tải quy định về các vấn đề này.
2. Lo thủ tục giấy tờ và chuẩn bị phương tiện:
2.1. Hộ chiếu: Phải chuẩn bị hộ chiếu cho toàn bộ các thành viên trong gia đình. Thủ tục này đơn giản, bạn có thể lên Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính (Hà Nội), số 44 đường Phạm Ngọc Thạch họ sẽ hướng dẫn chi tiết cho từng người. Thời gian làm mất khoảng 2 tuần. Phí là 200k/hộ chiếu. May quá nhà mình đã có sẵn hộ chiếu từ trước và tất cả đều còn hạn.
2.2. Giấy phép lái xe quốc tế: Ông xã mình mầy mò trên mạng họ hướng dẫn vào trang dịch vụ công của Tổng cục đường bộ - BGTVT. Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau để làm Giấy pheps lái xe quốc tế nhé:
-
Chụp ảnh bằng lái B2 phải là bằng nhựa nhé (PET) và còn hạn.
-
Chụp ảnh hộ chiếu còn hạn tối thiểu 6 tháng tính từ thời điểm làm.
-
file ảnh hồ sơ 3x4 hoặc 4x6 nền phông trắng.
-
Ký chữ ký của mình lên tờ giất trăng (nhớ mực đen nhé) rồi chụp ảnh chữ ký của mình và đưa về file đuôi pdf hoặc png nhé! Đuôi jpeg không chấp nhận (không hiểu tại sao).
-
Tiền trong tài khoản ibanking tối thiểu còn khoảng 200k. Phí làm giấy phép lái xe quốc tế là 135k/chiếc + 25k tiền chuyển phát nhanh đến tận nhà ở Hà Nội.
Với từng đấy thứ bạn có thể sẵn sàng làm bằng lái xe quốc tế có thời hạn 3 năm. Thời gian từ lúc Tổng cục đường bộ chấp nhận file đề xuất của bạn, đến lúc bạn nhận bằng tại nhà là 5 ngày làm việc liên tục, thường ở Hà Nội bạn sẽ nhận được trong 5 ngày, còn các tỉnh khác thì nhiều hơn nhưng không quá 10 ngày. Bạn có thể vào đường link dưới đây để tham khảo. http://dichvucong.gplx.gov.vn:8000/faces/registration/guide_4.xhtml
2.3. Giấy liên vận Việt - Lào: Cái này vô cùng quan trọng, không có nó xe của bạn sẽ không thể qua biên giới được.
-
Điều kiện: Đối với xe cá nhân thì giấy tờ đăng ký xe phải là chính chủ nhé, nếu không bạn sẽ phải nhờ người chủ cũ mang chứng minh thư đi làm hộ đó. Trong trường hợp xe của bạn là xe công ty thì bạn phải lên mạng download mẫu đơn liên vận Việt _ Lào về để đánh máy và đóng dấu công ty vào nhé! Xe đăng ký biển ở đâu thì làm giấy liên vận ở Sở GTVT của tỉnh đó nhé! (trừ các tỉnh có biên giới với Lào thì có thể cấp giấy liên vận cho tất cả các loại xe của tỉnh khác).
-
Các thủ tục gồm: Đơn đề nghị cấp giấy liên vận Việt - Lào (ghi đủ thông tin, nhớ là xe phi thương mại và đi qua tất cả các cửa khẩu nhé); Giấy đăng ký xe (bản sao y công chứng); giấy đăng kiểm (bản sao y công chứng); chứng minh thư của chủ xe (bản sao y công chứng). Đối với trường hợp xe công ty thì phải kèm theo giấy đăng ký kinh doanh sao y công chứng và chứng minh thư của giám đốc công ty nhé).
-
Địa điểm nộp: Nộp tại Sở GTVT của tỉnh/thành mà mình đăng ký xe tỉnh đó. Đối với xe đăng ký biển Hà Nội thì nộp tại 16 Cao Bá Quát hoặc số 2 Phùng Hưng, quận Hà Đông nhé.
-
Thời gian làm thủ tục là 2 ngày làm việc liên tục.
-
Chi phí: 50k để mua sổ liên vận (đối với công ty); với cá nhân thì không mất phí.
Sau khi đi Lào về giây liên vận của bạn bị đóng chằng chịt dấu của cả hai bên như là dấu trên hộ chiếu vậy
2.4. Phương tiện: Nên chủ động loại xe dạng SUV, CUV hoặc bán tải. Loại nhỏ hơn như sedan hoặc mini hatchback khuyến cáo không nên đi sang Lào, vì đường bên đó rất nhiều đường đèo, lại đi đường dài cần nhiều đồ mang theo nên xe nhỏ không phù hợp để đi sang Lào. Cũng may xe nhà mình dạng CUV (Honda CRV 2009) nên phù hợp với chuyến đi này. Như một thói quen, trước khi đi đâu xa chúng ta cần bảo dưỡng toàn bộ xe để yên tâm công tác (phần này ông xã là dân chuyên ngành rồi nên khỏi phải lo).
Do nhà mình làm thủ tục trước Tết 10 ngày trong đó còn 7 ngày làm việc hành chính của nhà nước, nên anh xã đã rất nhanh nhẹn trong vòng 5 ngày đã có đủ tất cả các loại giấy tờ trên (Giấy phép lái xe quốc tế và Giấy liên vận Việt - Lào). Tất nhiên trừ hộ chiếu của các thành viên trong gia đình và bằng lái B2 (nhựa) thì đã có từ trước rồi.
3. Mua sắm đồ dùng cần thiết, đặt phòng bên Lào.
Do nhà có hai con nhỏ, một bé trai 5,5 tuổi và một bé gái mới 22 tháng nên đồ mang theo gần như là những đồ sinh hoạt gia đình hàng ngày, trừ mỗi tivi, tủ lạnh, nồi niêu xoong chảo là không mang theo mà thôi; Còn đâu là mang tất cả quẳng lên xe kể cả xà phòng giặt, bát đũa, thìa, dao kéo, chăn mỏng và gối nhỏ. Đặc biệt các bạn phải nhớ mang thuốc cho con, cao dán chống say dùng cho 10 ngày và đồ y tế sơ cứu nhé. Ngoài ra chồng mình mua một bình nước giữ nhiệt nhỏ và mang thêm 5 lạng chè mạn, để pha thật đặc, ủ nóng uống dọc đường cho đỡ buồn ngủ. Bạn có thể đặt phòng ở các điểm bạn sẽ nghỉ đêm qua trang booking, agoda,...
4. Kinh phí:
Chuẩn bị tiền mặt khoảng 30 triệu mang theo và một thẻ visa có khoảng 20 triệu trong tài khoản (đề phòng bất trắc như xe hỏng dọc đường).
Hành lý mang theo, kể cả xà phòng giặt cũng mang theo. :D
II. Hành trình sang Lào:
1. Ngày 1: 16/02/2018 (mồng 1 Tết):
Sau khi về quê đón giao thừa cùng ông bà nội và đi chúc Tết họ hàng xong xuôi, ăn với bố mẹ bữa cơm trưa, 14h chiều gia đình xuất phát từ Vạn Điểm- Thường Tín- Hà Nội (quê chồng), đi khoảng 7 tiếng với 370km khoảng 9h tối đến Hương Sơn - Hà Tĩnh nghỉ đêm tại khách sạn Ngọc Long Châu (thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà Tĩnh) cách cửa khẩu Cầu Treo khoảng 30km. Tối hôm đó cả nhà ăn bánh trưng, mì tôm, giò mang theo; thật may mắn là các bạn trẻ nhà mình đều ăn mì tôm ngon lành, kể cả bé gái 22 tháng.
2. Ngày 2: 17/02/2018 (mồng 2 Tết): Hành trình từ Hà Tĩnh sang Vientiane.
Buổi sáng mồng 2 chưa có hàng quán nào bán đồ ăn sáng cả nên cả nhà lại tiếp tục mì tôm, bánh trưng và giò mang theo; quả thật lúc này các thành viên đều thấy ớn mấy món này lắm rồi nhưng không có lựa chọn khác. Haizz….
Sau khi đổ xăng tại thị trấn Tây Sơn, 9h sáng gia đình bắt đầu xuất phát lên cửa khẩu Cầu Treo, đường lên cửa khẩu Cầu Treo có nhiều đoạn cua gấp, dốc và đường khá là xấu, ông xã đều về số 2 để lên đèo, có đoạn phải về số 1 (Honda CRV 2009 số tự động có chế độ số 2 và 1 để lên và đổ đèo). Dùng google map để dẫn đường, còn cách cửa khẩu khoảng 8km trời bắt đầu xuất hiện sương mù càng ngày càng dầy đặc, đến nỗi không nhìn thấy phía trước mà phải bật đèn cảnh báo và vừa đi vừa lò dò.
Khoảng 10h30’ thì lên đến cửa khẩu; đúng ngày Tết lại có sương mù dầy đặc nên khiến cho không khí Tết trên Cầu Treo thật sự ảm đảm, thưa vắng (có mỗi xe của gia đình nhà mình trên đó làm thủ tục vào buổi trưa), tuy nhiên các đồng chí Bộ đội biên phòng và hải quan làm việc rất có tinh thần trách nhiệm, mỗi tội là thần thái ai ai cũng nhớ nhà. Cái này thì mình hiểu và rất thông cảm. Chồng mình sau khi làm thủ tục ở 3 nơi bên Việt Nam (Hải quan, Biên phòng, trạm gác) với chi phí 50k tiền Việt, nhưng không quên mừng tuổi thêm cho các đồng chí ở đó với tâm thế vui vẻ và ấm cúng trong không khí Tết. Chỉ có chồng mình xuống làm thủ tục, còn 3 mẹ con vẫn ngồi trên xe và không phải xuống.
Mất khoảng 30’ bên Việt Nam, đi thêm 100m nữa đến cửa khẩu Nam Pao của Lào; chồng mình vào làm thủ tục và đổi 35 triệu đồng được khoảng 12,8 triệu Kip Lào (với tỷ giá 1 kip Lào = 2,76 đồng Việt Nam). Sau đó thấy ông xã ra xe bảo cả nhà phải vào làm thủ tục, chụp ảnh từng người; đóng phí cho Hải quan và Biên phòng của Lào hết 190k Kip Lào (bằng 513k Việt Nam); chồng mình bồi dưỡng cho mỗi cửa mất 10k (hết 40k tiền bồi dưỡng cán bộ Hải quan, Biên phòng, gác cổng, gì nữa không biết vì toàn tiếng Lào). Tổng cộng mất toi 230k Kip Lào (621k Việt Nam) để qua cửa khẩu Nam Pao; cũng mất khoảng 45’ mới xong được thủ tục để qua cửa khẩu Nam Pao của Lào. Hải quan và Bộ đội biên phòng Lào đều biết tiếng Việt nhé.
11h45’ qua cửa khẩu Nam Pao bước chân vào đất Lào, xe ô tô bắt đầu đổ đèo; điều dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi thời tiết rõ rệt giữa hai bên; lúc ở bên Việt Nam trời mưa phùn, rét và nhiều sương mù; còn khi sang bên Lào xe càng đi xuống dưới đèo thì trời càng nắng ấm, gió lớn đúng là “bên nắng đốt bên mưa quây", mặt khác đường đèo bên Lào rất đẹp và rộng (khác hẳn đường bên Cầu Treo). Đến 12h30’ sau khi đi được khoảng 30km nữa thì xe đến thị trấn Laksao, cả nhà dừng chân tại một quán cơm bình dân trong lúc gọi món thì ông xã đi mua 2 cái sim unitel của Lào có giá 50k Kip/sim (gồm 5k cước gọi và 20MB data internet, nói chung là đắt hơn Việt Nam). Đặc điểm quán cơm bình dân ở bên Lào là tuy quán khá bình thường, nhưng bàn và ghế là họ chơi cả một cây gỗ to làm cái bàn dài chứ rất ít bàn ghế nhựa như Việt Nam. Đúng là ở Lào chẳng có gì ngoài gỗ. Cả nhà ai cũng đói, nhất là hai bạn nhỏ nên gọi 4 đĩa cơm rang và đĩa trứng ốp mà ăn vèo đã hết, nên lại gọi tiếp bát phở Lào ăn cho đỡ thèm. Đúng là bữa cơm “mầm đá" ngon tuyệt! :D
Giao tiếp với người Lào bạn có thể sử dụng tiếng Anh, nếu tiếng Anh không hiểu thì nói tiếng Việt, nếu tiếng Việt không hiểu thì dùng ngôn ngữ cử chỉ, còn nếu tất cả trên đều không hiểu thì bạn dùng google dịch từ Việt sang Lào (tốt nhất là dùng luôn cách này từ đầu cho đỡ hiểu lầm nhau). Có một điều lạ là ứng dụng google map ở thời điểm này (2018) không có hỗ trợ dẫn đường ở bên Lào, mà sang đây không có dẫn đường thì cũng ban căng; rất may ông xã đã dự phòng một ứng dụng khác là “Waze" đã tải từ trước, cái hay của ứng dụng này là nó vẫn dẫn đường cho bạn ngay cả khi bị mất sóng 3G. Ăn xong nghỉ ngơi đến 14h cả nhà lại lên xe xuất phát, cứ đi theo ứng dụng trên dẫn đường thì từ Laksao đến Vientiane là 334km, chà chà dài đây!
Từ Laksao đến Vientiane bạn phải đi qua quốc lộ 8 khoảng 120km và quốc lộ 13 khoảng 214km; trên quốc lộ 8 có 3 cái đèo lớn với nhiều khúc cua tay áo, khá là khó đi và cũng rất dễ bị say xe, bù lại trên đó có nhiều điểm Viewpoint khá đẹp, mặt khác đường rất vắng nên cảm giác đi cũng dễ chịu. Còn cách quốc lộ 13 rẽ đi Vientiane khoảng 1km, cả nhà dừng chân tại một quán ăn bụi ven đường, ở đó họ bán thịt gà, mề gà nướng và trứng vịt lộn. 3k Kip Lào/ quả trứng vịt lộn ăn khá ngon và lạ so với Việt Nam, thịt gà xiên nướng là 2k kip/xiên nhỏ. Đặc điểm các món ăn của Lào thường kèm theo nhiều loại rau sống (kể cả quả đỗ xanh, rau bắp cải, cải xoong họ cũng ăn sống).
Nghỉ khoảng 30’ cả nhà lại lên xe đi đến Vientiane, lúc này là 17h. Đi được khoảng 100km thì rẽ vào đổ xăng. Dọc quốc lộ 13 có rất nhiều cây xăng, có những cây xăng cách nhau chỉ vài trăm mét trong đó có cả cây do PVoil, Petrolimex của Việt Nam đầu tư sang; giá xăng ở Lào đắt gấp 1,5 lần giá xăng ở Việt Nam và họ chỉ có một loại xăng duy nhất gọi là regular, bensin hoặc ét xăng (không có xăng E5, A92, A95 như Việt Nam) với giá từ 9.200 kip/lít (khoảng 26.000 vnđ/lít) và dầu Diesel giá là 8.200 kip/lít (23.000 vnđ/lít). Nhưng mỗi lần đổ nhà mình cứ chơi đầy bình cho chắc, khỏi bị nhỡ nhàng. :D
Đến khoảng 20h cả nhà dừng chân ở một quán cơm ven đường tên là “Cơm Việt Lào”, nhưng quả thật chẳng có ông người Việt nào cả và cũng chẳng có món ăn nào giống Việt Nam, có lẽ nhà mình sang vào dịp Tết nên Việt kiều ở đây về quê ăn Tết hết rồi. Riêng món canh nấu chua vị giống canh tôm răm của Thái; nhà mình đưa hình ảnh quả ớt trên điện thoại và kèm theo nói từ “no" để họ hiểu là không cay nấu cho trẻ em ăn.
Ăn tối xong nghỉ ngơi khoảng 21h gia đình lên xe đi tiếp, còn 100km là đến Vientiane, buổi tối đường khá là thoáng, hơn nữa đoạn quốc lộ 13 tính từ điểm giao với quốc lộ 8 lên Vientiane, đều là đường đồng bằng dọc theo sông Mekong nên đi khá dễ chịu. Bạn có thể đi tốc độ 80-100km/h, tuy nhiên do chất lượng đường giống như quốc lộ 1A ở Việt Nam cách đây 20 năm về trước nên tốt nhất đi ở tốc độ 80km/h là ổn. Đến khoảng 22h30’ xe đến đại lộ Kaysone Phomvihane cách trung tâm 10km là cửa ngõ vào Thủ đô Vientiane (giống như đường Giải Phóng vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội vậy). 23h đến khách sạn Family Botique Hotel ngay trung tâm thành phố, nhà mình đã đặt trước (giá phòng 38USD/đêm, phòng đôi 1 giường lớn bao gồm buffet sáng). Đỗ xe trước cửa khách sạn, thấy nhân viên lễ tân đang mắc màn đi ngủ, chúng tôi vào check in cậu ta vui vẻ xác nhận phòng qua booking rồi dẫn lên phòng nghỉ.
Trên xe hai bạn trẻ lô đùa, hát hò, mệt lại lăn ra ngủ. Em nghỉ ghế, anh năm sàn. :D
Bữa cơm trưa "mầm đá" ở Laksao.
3. Ngày 3: 18/02/2018 (mồng 3 Tết): Một ngày ở Vientiane.
Kế hoạch nhà mình nghỉ ở Vientiane một đêm rồi hôm sau (tức ngày 18/02/2018) đi Luang Prabang luôn, nhưng do hôm trước đến Vientiane muộn quá, mọi người đều mệt, nhất là ông xã lái xe 2 ngày liền với gần 800km chân bị tê do giữ ở vị trí ga phanh lâu, nên hai vợ chồng quyết định nghỉ thêm ở Vientiane một ngày nữa, đồng thời gọi điện (tiếng Anh) cho khách sạn ở Luang Prabang lùi checkin lại một ngày và họ xác nhận đồng ý; và do khách sạn đang nghỉ không còn phòng nên đặt phòng ở một khách sạn khác là Grand Vientiane Hotel với giá 65USD/đêm (loại 4 sao có buffet). Vientiane là một thành phố sống chậm và không khí sạch sẽ; xe công cộng và dịch vụ ở đây là xe 3 bánh (Tuk tuk), còn taxi thì tuy là có mào taxi nhưng lại không có bộ đàm, không có đồng hồ tính tiền theo số km, mọi việc di chuyển bạn phải mặc cả với tài xế (nói chung là lạc hậu), tuy nhiên ý thức của người tham gia giao thông nơi đấy rất văn minh, đi cả ngày gần như bạn không nghe tiếng còi xe nào mấy, nếu xe nào bấm còi y rằng ông đó chắc là ở xứ sở khác sang đây :D. Ở đây toà nhà cao nhất thành phố chắc là khách sạn Mường Thanh (khoảng 20 tầng, giá phòng tối thiểu là 95USD/đêm) của bác Thản đầu tư sang, còn đâu đa số là những toà nhà nhỏ thấp tầng (dưới 10 tầng); buổi tối các hàng quán đóng cửa khá sớm, khoảng 6-7h tối các cửa hàng, cửa hiệu gần như không thấy bán mấy; nghe nói chỉ có quán bar là hoạt động nhiều, nhưng hai vợ chồng có con nhỏ không thể đến được.
Nhà mình di chuyển bằng xe ô tô tự lái nên cũng bớt được phần chi phí trên, việc di chuyển trong các con phố đều nhờ đến ứng dụng dẫn đường “Waze", chỉ cần điền đích đến nó sẽ dẫn bạn đến đúng điểm cần đến. Các khu di tích thường là đền chùa nhiều, và điểm nổi bật là cổng Khải Hoàn Môn ở quảng trường trung tâm Vientiane. Đồ ăn thì cũng không có gì nhiều ngoài xôi, thịt nướng, cá nướng mua ở ngoài chợ gần khu trung tâm hoặc một số quán đồ ăn phương Tây; các quán ăn của người Việt đều nghỉ đóng cửa đến tận mồng 10 Tết. Khoảng 11h trưa cả nhà dọn phòng rồi làm thủ tục check out, cho hành lý lên xe để đi ăn trưa; thoạt đầu định đến Trung tâm Thương mại gần đó để ăn trưa cho đỡ vất vả đi tìm quán, nhưng khi lái xe đến thì khu để xe ở Trung tâm thương mại hết chỗ đỗ xe, cả nhà lại loay hoay giở điện thoại ra tìm quán; ông xã tìm thấy nhà hàng Mekong trên con đường dọc sông Mekong, nhưng đến nơi thì hoá ra nó là Trung tâm tổ chức tiệc cưới, cũng rất may khi đỗ xe trong sân của Trung tâm tổ chức tiệc cưới ông xã đi bộ ra cổng ngó nghiêng xem có quán ăn nào gần đó không, thì nhìn thấy một quán phở tên là “Pho Ban Phim", là một quán phở của người Lào rất lịch sự, sạch sẽ nằm ngay rìa sông Mekong, có chỗ đỗ xe ô tô thoải mái và rộng rãi bên cạnh; giá tuỳ theo kích thước của tô phở từ 25-30-50k kip/bát, vị nước dùng rất ngon mấy bạn nhỏ nhà mình ăn nhiệt tình. Đặc biệt là món buffet rau sống, tức là những rổ rau sống đặt trên một cái bàn ở giữa nhà, thực khách thích ăn bao nhiêu thì tuỳ chọn. Sau đó cả nhà về khách sạn mới checkin nghỉ ngơi để buổi chiều đi thăm mấy khu di tích, chùa chiền. Thời tiết ở Vientiane lúc này khá nóng và khô, 4h chiều cả nhà thăm quan chùa chiền một lúc đều thấy mệt nên lên xe đi tìm chỗ nào có điều hoà ngồi nghỉ ăn tối, dọc đường tìm được quán ăn nhanh Texas (giống như KFC), hai bạn nhỏ đều cảm thấy rất thích thú với nơi đây. Đối diện quán Texas là một khu chợ đêm bán rất nhiều đồ ăn như đồ nướng các loại, xôi, … ông xã tranh thủ ra mua ít đồ ăn đem về khách sạn để đêm nhỡ mọi người đói thì ăn thêm.
Buffet sáng ở hai khách sạn nơi nhà mình ở đều rất nghèo nàn, loanh quanh chỉ có mấy món mì xào, trứng ốp, luộc, bánh mì, mứt, xúc xích, nước cam, nước lọc, cà phê, phở, cháo trắng và một ít hoa quả tráng miệng.
Quán Phở Ban Phim ngay bên sông Mekong ở Vientiane ăn rất ngon và sạch sẽ.
4. Ngày 4: 19/02/2018 (mồng 4 Tết): Hành trình từ Vientiane đi Luang Prabang.
Xem trên ứng dụng chỉ đường báo hành trình từ Vientiane đến Luang Prabang khoảng 340km, mất 7 tiếng 40 phút đến nơi, đi dọc quốc lộ 13 đến Kasi thì rẽ trái sang quốc lộ 4 để đến Luang Prabang. Xem trên bản đồ google map thì thấy có khoảng 200km là đường đèo, nhất là đoạn từ Vang Vien đi lên Luang Prabang. Ông xã nhà mình bảo cứ lái thong thả, mệt ở đâu thì nghỉ đó chứ nhìn đoạn đường đèo này kể cũng oải.
8h30’ sáng sau khi ăn sáng và check out khách sạn, cả nhà lại khăn gói quả mướp lên đường đi Luang Prabang. Tiếp tục sử dụng ứng dụng “Waze" làm kim chỉ nam, đi khoảng 2km gặp quán bán xôi ven đường, ông xã phí xuống mua khoảng 10k kip xôi và 10k kip thịt nướng để nhỡ dọc đường đói mà không tìm được quán ăn. 10k kip xôi họ cân lên phải đến gần một cần xôi thực sự là rất nhiều, xôi Lào hạt to và ăn rất dẻo, thơm. Khoảng 10km dừng mua xăng tiếp tục đổ đầy bình để yên tâm cho chuyến hành trình dài. Đi khoảng 50km thì gặp một trạng Cảnh sát giao thông Lào vẫy xe nhà mình lại; chồng mình mang đủ các loại giấy tờ như bằng lái xe quốc tế, bằng B2, giấy liên vận Việt - Lào và các loại giấy tờ do bên Biên phòng, Hải quan ở cửa khẩu Nam Pao cấp; nhưng Cảnh sát Lào họ bảo là không có bảo hiểm, chồng mình ớ người ra bảo chả biết mua ở đâu thì họ bảo là mua ở cửa khẩu, khỉ thật có ông cán bộ Lào nào bảo mình mua cái đó đâu mà biết, biết thì đã mua rồi. Thế là họ bảo chồng mình là phạt nhé, 50k kip thôi và họ còn dặn thêm là nếu gặp Cảnh giao thông nữa thì cứ chìa vé phạt này ra là không sao cả. Chồng mình cười rồi bắt tay chào tạm biệt, họ còn nói với theo là chúc may mắn! Trời, mấy ông Cảnh sát giao thông Lào này nói tiếng Việt sõi ghê, có vẻ như họ từng sống và học tập ở Việt Nam rồi vậy. :D. Dọc đường đi gặp nhiều đoàn xe ô tô con ngược chiều mang biển số Trung Quốc, chắc họ nghỉ Tết như mình nên cũng phượt Lào chơi. Cảnh sát giao thông Lào lại được vào mua rồi! :D
Khoảng 12h trưa, cả nhà dừng chân tại một quán cơm ven đường cách Vang Vien khoảng 10km; quán ăn này nằm ngay ven hồ Vang Vien, khung cảnh khá thanh bình, bất ngờ hơn nữa chủ quán ăn có mẹ là người Việt Nam, bố là người Lào nên biết một chút tiếng Việt, vậy là việc gọi món ăn trở nên dễ dàng hơn. Họ gợi ý món canh cá và cá chiên bắt ở hồ Vang Vien lên ăn khá hay, quả thực vị canh và tẩm ướp cả chiên nơi đây ăn khá dễ chịu. Cả nhà có một bữa trưa vui vẻ, trước khi về chồng mình còn mừng tuổi một em bé khoảng 2 tuổi là cháu nội chủ quán theo như phong tục Tết của Việt Nam, đáp lại họ mang bánh kẹo ra mời cả gia đình cùng ăn; mình cảm thấy yêu sự hiền hoà và thân thiện của người dân nơi đây.
Khoảng 14h cả nhà lại lên xe tiếp tục hành trình, trên ứng dụng dẫn đường báo khoảng cách lúc này đến Luang Prabang là khoảng 200km, kiểm tra trên google map thì đây là đoạn đường có nhiều đèo nhất. Khoảng 15h30’ chiều xe bắt đầu leo lên đình của đèo Kasi có độ dốc 12%, còn cách đỉnh đèo khoảng 2km thì bỗng các xe phía trước dừng lại, những phụ xe mở cửa nhảy xuống lấy đá chèn bánh lại, do độ dốc quá lớn lại bị tắt đường trên đèo nên xe có hiện tượng bị trôi; mặc dù chồng mình về số chế độ dừng “P" và đạp phanh dừng rồi nhưng vẫn chưa yên tâm, thế là ông xã cũng nhảy xuống kiếm miếng đá để chèn xe lại; nghe ông xã kể lúc mở cửa xuống khi đứng mà cảm giác như có người kéo mình về phía sau vậy, dốc lắm! Chờ khoảng 20’ thì mới được thông xe, ông xã về số 1 đi từ từ theo các xe trước, khi đến đoạn gần đình đèo thì một cảnh tượng không yên tâm hiện ra trước mắt; có 2 chiếc xe tải to bị chết máy giữa đỉnh đèo, trong khi đó đoạn đỉnh đèo này đang bị thi công lại do trước đó bị sạt nở đất, chất lượng đường kém (đang sửa nhiều đá cấp phối) cộng với độ dốc lớn (12%) khiến cho một số xe loại nhỏ không thể nào vượt qua nổi đỉnh dốc, một số người xuống hỗ trợ ủn sang một bên để nhường đường cho các xe sau. Xe nhà mình (CRV2009) cũng phải chật vật lắm mới vượt qua được đoạn đỉnh đèo trên. Lúc vượt qua xong ông xã thở phào nhẹ nhõm bảo “nếu mà đi xe loại nhỏ như yaris thì xác định quay về". Quả thực có nhiều xe của Trung Quốc phải nằm dị một chỗ chờ đồng đội trong đoàn đi cùng đến hỗ trợ, lạy trời nhà mình thì một mình một ngựa, không đi tham gia cùng đoàn nào cả mà nếu gặp tình huống này thì biết kêu ai (?!).
Tắc đường trên đèo Kasi, bên này dù tắc đường nhưng các xe ô tô đều không lấn sang lan đối diện.
(Biên lai phạt 50k Kip của Cảnh sát giao thông Lào)
Quán cơm bên một nhánh hồ Vang Vien
5. Ngày 5, 6, 7, 8 (20-23/02/2018) tức từ mồng 5 đến mồng 8 Tết: Những ngày ở Luang Prabang.
Đèo Kasi cách thành phố Luang Prabang khoảng hơn 100km cũng vẫn chỉ toàn đèo là đèo mà thôi nhưng đoạn khó nhất là đỉnh đèo Kasi, vì đang trong thời gian tu sửa hơn nữa lại hay bị nở đất; đến tầm 8h tối mới tới khách sạn có tên là Villa Tavarndang do ông xã booking từ trước; nói là khách sạn thì có vẻ hoành tráng nhưng thực chất nó là dạng nhà nghỉ kiểu guest house, cũng khá sạch sẽ, nhân viên thái độ rất thân thiện, nhưng đồ dùng thì cũng khá là sơ sài so với mức tiền thuê phòng 70USD/đêm. Vào thời điểm Tết cổ truyền Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc nên khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc sang du lịch khá là đông khiến cho giá khách sạn ở nơi đây bị đẩy lên gấp đôi mà luôn báo khan phòng, đó là lý do vì sao mà chất lượng phòng không tương xứng với giá phòng; mặt khác, Luang Prabang là thành phố núi, cổ kính từng là cố đô của Lào, được bao bọc bởi hai cong sông Mekong và sông Nam Khan và cũng là thành phố du lịch nên ở nơi đây có khoảng 30 ngôi đền chùa, kiến trúc nhà dân hoặc khách sạn đa số là dạng 2 tầng giống như phố cổ Hội An của Việt Nam vậy. Điều thấy khác biệt là tuy Luang Prabang là thành phố cổ kính, không khí nơi đây rất trong lành, cuộc sống lại sôi động hơn so với Thủ đô Vientiane do khách du lịch với nhiều loại hình văn hoá mang lại; có lẽ nếu du lịch vào những ngày thường thì thành phố Luang Prabang có thể thanh bình hơn một chút.
Đến Luang Prabang ông xã liền liên hệ với cậu bạn hay đi phượt, gia đình cậu ấy cũng lái xe ô tô đi sang Luang Prabang nhưng lại đi cung đường khác (qua cửa khẩu Nậm Cắn, đến Phonsavan rồi đi Luang Prabang), nghe cậu ấy kể cung mà cậu ấy đi 100% là đường đèo. Dự tính của nhà mình là lúc đi qua Cầu Treo - Vientiane - Luang Prabang, lúc về từ Luang Prabang qua Phonsavan thăm cánh đồng chum rồi qua cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An) về Việt Nam; nhưng khi nghe cậu bạn mô tả, kèm với xem google map địa hình thì thấy cung đường này nó xoắn như lò xo vậy, nhà mình thì có con nhỏ như thế này đi lối từ Vientiane đã mệt rồi, giờ mà đi lối này gần 700km đường đèo (từ Luang Prabang đến Nậm Cắn) thì chịu làm sao được. Nên cả nhà quyết định lúc nào về sẽ đi lại đường cũ quay lại Vientiane, về Cầu Treo.
Những ngày ở Luang Prabang, nhà mình đi thăm một vài điểm như thác nước Kuang Si, đền Wat Phu Si ngắm hoàng hôn buổi chiều, đi cầu tre qua sông Nam Khan, ra bãi sông Mekong ngắm cảnh và uống bia, thăm chùa Wat Xieng Thong, đi chợ đêm có nhiều món ăn gần gũi, dễ ăn. Ở Luang Prabang không mất chi phí đỗ xe, nhưng trước khi đỗ xe bạn cần quan sát xung quanh, xem nơi mình đỗ xe có cản trở việc di chuyển hoặc nhà của ai không nhé! Tuyệt đối không nên bấm còi khi tham gia giao thông nơi đây!
Ở Luang Prabang còn nhiều điểm khác để đi chơi, nhưng quả thực việc mang con nhỏ đi chơi thì chỉ nên đi một điểm trong một ngày thôi, vì bản thân lũ trẻ mệt mà chúng ta chăm sóc chúng cũng bở hơi tai rồi.
Luang Prabang phố núi yên bình.
Ngã ba sông Mekong và Nam Khan
Cô bạn Thổ Nhĩ Kỳ xin đi nhờ.
6. Những ngày trở về: Ngày mồng 8, 9 và mồng 10 Tết (23, 24 và 25/02/2018).
Đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/02/2018 thành phố Luang Prabang bị phủ một cơn mua rào rất lớn; buổi sáng dậy tuy trời đã tạnh mưa, nhưng hai vợ chồng cũng khá lấn cấn chuyện có nên về vào lúc này không, vì đường về có hơn 200km đường đèo mà trời vừa mưa to xong thì cũng lo chuyện bị lở đất. Lo là vậy, nhưng nhìn lại chặng đường đi thì thấy đường đèo đoạn này khá rộng, chất lượng mặt đường khá là tốt nên vẫn quyết định checkout khách sạn để cùng nhau về Vientiane.
Khi đi đến đoạn đèo Kasi, càng lên cao thì sương mù càng dầy đặc và cũng chỉ cách đỉnh đèo khoảng 1km thì lại bị tắc đường, khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau xe phía trước mới chịu đi, tốc độ thì chỉ khoảng 5km/h. Đến gần điểm tắc thì thấy đường càng xấu, mặc dù mù sường không nhìn rõ phía trước nhưng tiếng máy xúc mày ủi thì rất rõ, đi nhích dần lên phía trước là cảnh đất đá ngổn ngang một bên do máy xúc, máy ủi đã giải phóng bớt đi trên mặt đường. Nhìn chung cung Vientian- Luang Prabang và ngược lại đi theo quốc lộ 13 và quốc lộ 4 chỉ khó mỗi đoạn qua đèo Kasi do đang thi công trên đỉnh đèo, ngoài ra mỗi lần mưa đoạn này hay bị lở đất.
Đến 8h tối cả nhà đến Vientiane, nghỉ đêm tại khách sạn 450 trên đường đại lộ 450 ngoại ô Vientiane, khách sạn này đối diện với bến xe khách phía Nam Vientiane đi các tỉnh (cách Trung tâm Vientiane khoảng 7km); giá phòng 20USD/đêm, chất lượng phòng và dịch vụ cũng chỉ vừa phải vì nó giống dạng nhà khách, cũng rất may là bên cạnh khách sạn có một nhà hàng khá sạch sẽ phục vụ đến 22h. Nhà mình cũng xác định nghỉ tạm rồi hôm sau về Hà Tĩnh; ở bên Việt Nam ông bà ngoại xem bản tin thấy cảnh báo khu vực cửa khẩu Cầu Treo ngày 23/02/2018 bị lở đất do mưa lớn gây tắc đường lâu, cả nhà cũng lo vì đường ở bên Việt Nam lên cửa khẩu Cầu Treo đã khó đi rồi mà còn lở đất thì đi sẽ nguy hiểm hơn nhiều, do vậy ngày hôm sau trên đường vừa đi vừa phải cập nhật tình hình qua báo mạng.
Dọc đường từ Vientiane về Laksao, gặp một tốp Cảnh sát giao thông Lào khác tuýt còi xe nhà mình; ông xã mang giấy tờ và vé phạt trước đó xuống, chưa kịp trình bầy thì họ giơ tay ra bắt tay rồi nói “Việt Nam tốt tốt”, rồi kéo chồng mình lại gần ghé sát tai nói “cho 50 nghìn uống cà phê”; chồng lục túi tiền lẻ còn 40k kip Lào, kẹp vào tập giấy tờ xe đưa cho họ, rất nhanh nhẹn đồng chí Cảnh sát giao thông Lào lấy số “vật thể lạ" đó đưa cho một cô bạn đồng nghiệp khác bỏ vào một hòm phiếu, bắt tay ông xã mình và kèm theo lời chúc may mắn! Sau bữa trưa dọc đường quốc lộ 8, còn cách Laksao khoảng hơn 100km có một cô gái Tây có vẻ đi du lịch bụi vẫy xe xin đi nhờ, ông xã liền táp vào lề dừng lại luôn mà không hỏi ý kiến mình (đúng là đồ hám gái), lại còn bảo để luyện tiếng Anh nữa chứ (?!). Cô gái đó xin đi nhờ đến Na Hin cũng trên quốc lộ 8, cách Laksao khoảng 40km; dọc đường đi trên xe ông xã, con trai mình được bữa trổ tiếng Anh amatuer, những cũng hiểu được bạn này là người Thổ Nhĩ Kỳ, là giáo viên cấp 2 ở Istanbul đi du lịch bụi một mình mấy nước Đông Nam Á trong vòng 6 tháng, nhưng không xin được visa sang Việt Nam, điều này ngoài tầm hiểu biết của cả nhà nên cũng không giải thích được. Điều tuyệt với nhất là con trai mình giao tiếp tiếng Anh với bạn này rất tự nhiên và không hề e ngại, hai vợ chồng mình đều thấy rất bất ngờ.
Sau khi tạm biệt cô gái Thổ Nhĩ Kỳ và đi thêm khoảng 20km nữa lúc đó khoảng 4h chiều, mặt trời dần dần lấp sau những rặng núi đá tạo ra những sợi nắng chiều thật dịu dàng và thơ mộng, khiến cả nhà chỉ muốn dừng chân ở cánh đồng cỏ ven đường dưới chân rặng núi đá để ngắm cảnh hoàng hôn thơ mộng. Sau khi ngắm cảnh hoàng hôn khoảng 30’ cả nhà tiếp tục lên xe tiếng thẳng đến cửa khẩu Nam Pao (phần bên Lào). Khoảng 17h30’ nhà mình lên đến cửa khẩu, lúc này đồng hồ trên xe báo nhiệt độ ngoài trời là 15 độ C, trời đầy sương mù bao quanh; phía trước có khoảng gần 10 chiếc xe tải đang làm thủ tục qua cửa khẩu Nam Pao; do ùn tắc vì làm thủ tục nên nhà mình mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới qua được cửa khẩu Nam Pao, lần này chỉ có duy nhất ông xã vào làm thủ tục khoảng 20’ mất chi phí 100k Kip Lào. Càng về phía cửa khẩu Cầu Treo của Việt Nam sương mù càng dầy đặc, lúc này đã gần 19h; các đồng chí Biên Phòng và Hải Quan bên Việt Nam cũng tạo điều kiện cho làm thủ tục nhanh, nhưng cũng mất khoảng 15’ chạy đi chạy lại, ba mẹ con ngồi trên xe chỉ có ông xã loanh quanh chạy đi, chạy lại lo thủ tục trong cái lạnh và dưới màn sương mù dầy đặc, chi phí bên Việt Nam là 110k VNĐ. Tổng thời gian qua cửa khẩu mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ, do bị delay vì thời điểm này hết Tết nên cũng nhiều xe lưu thông qua. Hải quan và Biên phòng họ sẽ thu lại tất cả những giấy tờ mà bên phía Việt Nam đã cấp khi đi qua biên giới (các bạn nhớ giữ những giấy tờ này cẩn thận đừng để bị mất nhé).
Khi sang đến Việt Nam, hai vợ chồng bắt đầu thay sang sim Việt Nam nhưng phải đi mất khoảng 500m thì mới có tín hiệu sóng di động của Việt Nam, do ông xã dùng viettel nên cũng khá thuận lợi khi đi vào những khu vực rừng núi. Sương càng ngày càng dầy đặc, ông xã cho xe về số 1 rồi bật đèn cảnh báo đi tốc độ rất chậm, chủ yếu là dùng phanh chân và phanh bằng hộp số. Đi khoảng 5km, thì gặp một tảng đá rất to (to bằng cả một chiếc ô tô con) nằm chắn ở một bên đường, chắc đây là vụ lở đất mà hôm qua ông ngoại ở nhà xem báo mạng thông báo cho nhà mình biết đây; hai vợ chồng thấy cũng hãi, vô phúc mà xe nào đi đúng lúc tảng đá này lăn xuống thì đúng là toi. Có lẽ khi trời mưa rào to, không nên đi đoạn đường đèo mà hay lở đất. Đi thêm 10km nữa gần xuống chân núi thì sương mù mới tan hẳn, nhà mình quay lại khách sạn Ngọc Long Châu ở thi trấn Tây Sơn nghỉ đêm để sáng hôm sau về Hà Nội.
Điều khác biệt khi về đến Việt Nam lái xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, ông xã mình bị căng thẳng do thay đổi thói quen tham gia giao thông giữa hai nước; ở bên Lào đường thoáng, xe không bấm còi vì khi đi sang đường họ luôn ưu tiên cho xe đi thẳng trước, chạy 1.600km đường bên Lào thành thử thói quen đó đã ăn vào trong tiềm thức của ông xã; nhưng khi về đến Việt Nam mọi thứ thay đổi 180 độ, mạnh ai người đó đi, còi thì ỉnh ỏi, xe lớn át xe bé. Suốt một chặng gần 400km bên Việt Nam, ông xã kêu thực sự căng thẳng vì còn mệt hơn là lái 1.000km đường đèo bên Lào. Quả thật, Đông Trường sơn và Tây Trường sơn không những khác nhau về thời tiết mà còn khác nhau về văn hoá giao thông. Cảnh vật bên Lào tuy còn hoang sơ nhưng con người không hoang dại.
III. Các khoản chi phí cho chuyến đi 10 ngày (8 ngày bên Lào và 2 ngày ở Việt Nam):
-
Chi phí ở Việt Nam lúc chuẩn bị đi:
- Mua đồ dùng chuẩn bị cho hành trình: 2,5 triệu (mua dự phòng, về vẫn còn thừa nhiều nhưng là đồ dùng gia đình thì vẫn sử dụng tiếp được).
- Xăng 1 triệu.
- Ở khách sạn ở Hương Sơn: 500k. Mừng tuổi cho cán bộ cửa khẩu Việt Nam: 200k.
-
Ngày 17/2 đổi 35 triệu được 12.681.000 kip (tỷ giá 1 LAK = 2,76 VNĐ).
- Qua cửa khẩu nộp 230k kip (chính thống hết 190k kip, bồi dương 40k kip)
- Ăn trưa hết 100k; mua sim và thẻ hết 120k kip.
- Nghỉ uống nước dọc đường ăn trứng, thịt gà nướng 17k kip
- Ăn tối 183k kip
- Mua xăng 200k kip
- Tip nhân viên ks 5k kip. -
Ngày 18/2:
- Tiền khách sạn 325k kip.
- Ăn trưa Phở Bản Phim 193k
- Ăn tối gà rán Texas 121k
- Mua xôi 5k, cơm 5k
- Đi taxi 50k
- Mua quần áo, tất 184k
- Mua bánh bao 10k
- Nước dừa 10k. -
Ngày 19/2:
- Tiền khách sạn: 563k
- Đổ xăng đầu tiên: 200k
- Mua xôi và thịt nướng dọc đường: 20k
- Bị phạt vì không mua bảo hiểm cho xe: 50k
- Ăn trưa ở Vang Vien: 170k
- Mua cam dọc đường: 10k
- Mua xăng lần 2 ở cách Luang Prabang 25km: 300k. -
Ngày 20/2:
- Đưa Hà 300k;
- Mua mía: 5k.
- Bánh sandwitch + kem 55k
- Ăn tối 335k (cùng Tâm, Bắc).
- Tâm vay 2.000k. -
Ngày 21/2:
- Ăn sáng 30k
- Mua vé vào Phou si: 40k
- Mua đồ uống: 20k
- Vệ sinh và tip cho người đánh đàn: 4k
- Mua vé qua cầu tre: 10k
- Mua thẻ 3g unitel: 10k
- Ăn pizza: 215k + tip 5k. -
Ngày 22/2:
- Ăn sáng và trưa: 85k
- Vé Đi tham quan: 40k
- Rửa xe: 50k
- Đổ xăng: 170k
- Trả tiền khách sạn 4 đêm và tiền giặt quần áo: 2.480k (Giặt đồ: 61k (5,1kg quần áo); - Bún: 6k. - Bánh crepes: 55k
- Nước ép: 20k
- Đi Tuk tuk: 20k
- Mua búp bê cho Sữa: 50k
- Vệ sinh 3 lần: 6k
- Kem cho Sam: 5k
- Ăn phở: 15k
-
23/2:
- Ăn sáng: 25k
- Ăn trưa: 190k
- Mua xôi, xúc xích: 15k
- Ăn tối 106k
- Khách sạn 200k.
- Bơm xe 2k. -
Ngày 24/2:
- Mua xôi, thịt nướng: 50k
- Mua xăng: 300k.
- Ăn trưa + quà: 140k
- Bơm xe: 2k
- Cảnh sát giao thông xin tiền cà phê: 40k.
- Mua xăng: 100k
- Qua cửa khẩu Lào: 100k (Hải quan 80k, biên phòng: 20k).
- Cửa khẩu Việt Nam: 110k vnđ (hải quan 50k, biên phòng 60k).
- Ăn tối: 180k vnđ. -
Ngày 25/2:
- Ks ở Hương Sơn: 570k vnđ
- Ăn sáng: 150k vnđ
- Ăn trưa: 230k vnđ
- Đổ xăng: 540k vnđ.
*. Tổng số km cả hành trình từ Hà Nội - Vientiane - Luang Prabang (theo quốc lộ 13, 8 và 4 bên Lào) và ngược lại là 2.265km. Thời gian là 10 ngày.
*. Tổng số kinh phí cả chuyến đi là: 28.796.720 VNĐ. Trong đó:
-
Tổng số kinh phí cho bên Lào là: 8.372.000 Kip Lào tương đương với 23.106.720 VNĐ.
-
Tổng số kinh phí bên Việt Nam là: 5.690.000 VNĐ.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Hà; facebook: Ha Nguyen